Những cú va chạm trong không gian
Bề mặt của mặt trăng có rất nhiều chỗ lõm (crater
) với hình dạng như miệng núi lửa trên Trái đất. Những hố sâu này được tạo ra bởi sự va chạm của những vật thể trong không gian như thiên thạch hay sao chổi (xem bài hệ mặt trời) rơi xuống mặt trăng với tốc độ trung bình là 20km/s. Cứ mỗi lần một thiên thạch va chạm với bề mặt của mặt trăng, nó tạo ra một hố sâu có dạng lòng chảo với đường kính lớn gấp 10-20 lần đường kính của thiên thạch. Bên cạnh đó, cú va chạm cực mạnh này còn làm vỡ thiên thạch ra làm nhiều mảnh, và nhiệt độ tạo ra có thể làm tan chảy hoặc thậm chí bốc hơi luôn cả những mảnh vỡ này.
Tầng khí quyển: tấm lá chắn của Trái đất
So với mặt trăng, Trái đất cũng có nhiều hố sâu do va chạm với thiên thạch do có diện tích bề mặt lớn hơn, nhưng độ lớn của những va chạm này lại không đáng kể so với mặt trăng. Điều khác biệt lớn nhất giúp bảo vệ bề mặt Trái đất đến từ lớp lá chắn từ tầng khí quyển. Ngay tại thời điểm một thiên thạch tiến vào tầng khí quyển của Trái đất, lớp không khí ngay trước thiên thạch bị nén lại, tạo ra lực ma sát lớn làm tăng nhiệt độ nơi tiếp xúc với thiên thạch lên đến hàng ngàn độ. Nói cách khác, thiên thạch bắt lửa khi nó rơi xuống Trái đất. Đây cũng chính là lí do tại sao khi chúng ta quan sát hiện tượng sao băng rơi xuống, chúng ta thấy những vệt dài và sáng từ từ rơi xuống . Phần lớn những thiên thạch này bốc cháy và bốc hơi toàn bộ trước khi chúng chạm được tới bề mặt Trái đất, giúp bảo vệ sự sống trên hành tinh xanh.
Mặt trăng lại không có được may mắn như vậy, nó không hề có tầng khí quyển nào bảo vệ số phận của mình khỏi bất kì kẻ xâm lược nào. Các nhà khoa học ước tính có đến hơn một tấn thiên thạch va chạm với mặt trăng mỗi ngày! Bề mặt của mặt trăng ngày nay là kết quả của sự tàn phá trong hàng triệu năm qua. Một trong những hố sâu lớn nhất trên mặt trăng có tên gọi Copernicus với đường kính 100 km. Trên Trái đất, những hiện tượng thiên nhiên như gió (wind
), mưa (rain
), sự thay đổi các mảng kiến tạo (plate tectonics
),… giúp bào mòn các hố sâu, khiến chúng không còn hình dạng ban đầu. Những hiện tượng này lại không tồn tại trên mặt trăng, do đó những hố sâu này hầu như không thay đổi từ hàng triệu năm nay. Tất nhiên, điều duy nhất có thể thay đổi hình dạng các hố sâu này là một cú va chạm khác!
Câu hỏi
Hố sâu Coprnic được đặt tên theo nhà thiên văn học Nicolaus Copernicus - người đưa ra thuyết nhật tâm (heliocentrism
). Ông tin rằng Trái đất và các hành tinh trong hệ mặt trời đều xoay quanh mặt trời, trái ngược với thuyết địa tâm (geocentrism
) hầu hết mọi người thời bấy giờ tin vào (Trái đất là trung tâm, các hành tinh khác và kể cả mặt trời đều xoay quanh Trái đất). Bạn hãy thử đưa ra những chứng cứ ủng hộ cho thuyết nhật tâm thay vì thuyết địa tâm, và hãy thử thuyết phục bạn bè hoặc người thân với những giả thiết này nhé!
Xem gợi ý
Hiện tượng ngày và đêm, các mùa trong năm...
Tài liệu tham khảo
- TED
Vai trò quan trọng của Margaret Hamilton - nữ kĩ sư giúp tạo ra phần mềm đưa loài người lên mặt trăng
- Youtube
Bài phỏng vấn Buzz Aldrin - người thứ 2 bước lên mặt trăng.